hoa sen

Tổ nghề may: Thánh sư Nguyễn Thị Sen
Ngày giỗ tổ: 12 tháng chạp hàng năm (12/12 âm lịch)
Đền thờ tổ tại: làng Trạch Xá - xã Hòa Lâm - Ứng Hòa - Hà Nội

Duyên dáng áo dài phố Hội

    Thế kỷ XVII, Hội An đã là một thương cảng sầm uất nổi tiếng, nơi giao thương chủ yếu giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước phương Tây. Cũng bởi vậy, "tiếng thơm" của mảnh đất này khi xưa được ca ngợi bằng câu ca: "Hội An bán gấm, bán điều/Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hàng".

    Bản sắc áo dài Hội An

    Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nghề may áo dài truyền thống của Hội An tưởng như lụi tàn đã phát triển trở lại. Gặp nhân viên các cửa hiệu, nhà hàng nhanh nhẹn nhưng vẫn yểu điệu, thướt tha trong bộ áo dài, đi lại phục vụ, chào hỏi du khách, mới cảm nhận hết sức hút kỳ lạ của chiếc áo dài ở mảnh đất này...

    Chất liệu và kiểu dáng của áo dài Hội An không khác nhiều so với những vùng đất thân thương khác trên dải đất duyên dáng hình chữ S. Lụa để may áo được chọn từ Hà Đông, Bảo Lộc và Mã Châu. Ông Trần Thái Do, Giám đốc Công ty á Đông Silk cho biết: “Lụa Bảo Lộc và Hà Đông được đánh giá là hàng cao cấp vì mỏng, mềm, mỗi bộ có giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Lụa Mã Châu mộc hơn, giá cũng mềm hơn, dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/bộ. Nếu khách hàng sử dụng dịch vụ “may nóng”, mỗi bộ áo dài phải cần đến 5 thợ, may trong vòng 1 ngày. Nhân viên may đo cho khách phải có những hiểu biết sâu về thiết kế, chất liệu vải cũng như kiểu dáng để ghi chú các đặc điểm về hình dáng của khách... Mỗi chiếc áo dài là sự kết hợp ý tưởng và công sức của rất nhiều con người”. Trên địa chỉ website của mình, Á Đông Silk có những hướng dẫn về cách đo áo dài để khách hàng khi có nhu cầu có thể gửi email yêu cầu thực hiện đơn hàng và buộc phải gửi kèm ảnh để người thợ có thể biết được khổ hình và tư vấn cho khách chọn vải.

    Du khách rất thích thú và tin tưởng dịch vụ
    "may nóng" ở Hội An.


    Những họa tiết tròn, vuông tượng trưng cho trời, đất và họa tiết trống đồng hay những cành trúc buông dài trên áo vẫn là lựa chọn đầu tiên của người phụ nữ sống ở phố cổ, bởi nó thể hiện rõ nét văn hoá và “gu” thẩm mỹ của người Việt Nam. Nếu muốn, khách hàng có thể yêu cầu vẽ các hình ảnh như chùa Cầu, tháp Chăm Mỹ Sơn hay những dãy nhà cổ mái ngói rêu phong. Đây cũng có thể là đặc trưng của chiếc áo dài Hội An vì chỉ những người thợ của phố cổ mới có thể nắm hết cái hồn, cái thần sắc của hình ảnh quê hương để thể hiện trên tấm lụa mềm gửi đến du khách. Bà Thu Thủy, chủ Shop Thu Thủy trong hơn 5 năm trở lại đây đã nghiên cứu vải lụa taffita Mã Châu trước đây chuyên dùng để may áo veston, váy, quần, đã mạnh dạn áp dụng may cho áo dài. Lụa taffita có đặc điểm khá cứng, khổ hẹp nên khi may áo dài chỉ có thể may vạt kín, thụng, không chít eo và may cho những người có dáng người thon thả. Cùng những nét vẽ truyền thống mang nét hồn hậu, chân chất và có phần rất kín đáo của người đất Quảng, chiếc áo dài may bằng lụa taffita Mã Châu đã hội đủ quốc hồn quốc túy của vùng đất mà nghề may, nghề ươm tơ dệt lụa đã trải qua rất nhiều thế kỷ. Bà Julia Brow, một du khách đến từ thành phố San Jose (Mỹ) cho biết: “Từ khi nhìn thấy các cô gái Việt Nam uyển chuyển trong bộ áo dài quyến rũ tôi đã “phải lòng” chiếc áo dài và đặt may ngay 2 bộ”.

    Không chỉ là nét đẹp văn hoá

    Sự hưng thịnh của ngành du lịch là đòn bẩy giúp nghề may ở Hội An hồi sinh và phát triển như hiện nay. Toàn thị xã có 320 hộ với trên 800 lao động tham gia vào ngành may mặc, tập trung chủ yếu ở khu phố cổ. Chỉ riêng phường Minh An, trong vòng bán kính nửa cây số, đã có 56 gia đình chuyên kinh doanh vải sợi, tơ lụa và may mặc. Nhiều hiệu may, shop vải hoạt động với quy mô lớn như Thu Thủy, á Đông Silk, Yaly, Bảo Khánh, Gia Hưng... với doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.

    Do thời gian lưu trú của khách ngắn nên dịch vụ “may nóng” ra đời đã mang lại doanh thu khổng lồ đối với một khu phố cổ: 2 triệu USD /năm cho những hiệu may. Ngoài may quần áo thông thường, thợ Hội An còn có thể đảm nhận may lễ phục và quần áo cao cấp. Sau vài tiếng dạo chơi phố cổ, khách có thể “xúng xính” trong bộ quần áo mới với kiểu dáng và đường kim mũi chỉ không chê vào đâu được. Một thợ may của á Đông Silk cho biết, trong 5 phút, 1 người thợ đã có thể cắt xong một chiếc áo hoặc quần và may hoàn chỉnh chỉ trong vòng 45 phút! Du khách chỉ cần để lại địa chỉ khách sạn, chủ hiệu sẽ giao hàng tận nơi. Quá nửa số cửa hàng cửa hiệu nhận đặt hàng qua email. Theo ông Trần Thái Do, có những mặt hàng chỉ cần scan vải lên máy nhưng cũng có khi phải trực tiếp gửi mẫu để khách chọn lựa hoa văn, đường nét, chất liệu. Thường sau khoảng 2-3 lần trao đổi qua email, chủ và khách đã có thể thỏa thuận được.

    Sự phát triển của nghề “may nóng” đã kéo nhiều thợ may của Hội An đi làm ăn xa quay về quê hương lập nghiệp. Để tạo nên cái hồn riêng của chiếc áo dài, phải chăng chỉ có người Hội An, bằng tình yêu quê hương và sự miệt mài lao động mới có thể làm nên những điều tuyệt vời như thế...

    Hoàng Phương Linh // Kinh Tế Nông Thôn