hoa sen

Tổ nghề may: Thánh sư Nguyễn Thị Sen
Ngày giỗ tổ: 12 tháng chạp hàng năm (12/12 âm lịch)
Đền thờ tổ tại: làng Trạch Xá - xã Hòa Lâm - Ứng Hòa - Hà Nội

25 -3, ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam

    Dựa vào lịch sử ra đời, quá trình hình thành và phát triển của ngành Dệt May Việt Nam, theo đề nghị của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 798/QĐ – TTg ngày 04 tháng 06 năm 2010, đồng ý lấy ngày 25 tháng 03 làm ngày truyền thống hàng năm của Ngành Dệt May Việt Nam.

    I.Ý nghĩa Lịch sử của “Ngày 25 tháng 03” đối với Ngành Dệt May Việt Nam

    Những năm đầu của thế kỷ XX, trong cảnh khốn cùng nước mất nhà tan, đội ngũ công nhân nhà máy Dệt Nam Định đã liên tục đấu tranh giành quyền sống và không ngừng trưởng thành về nhận thức, ý thức gia cấp. Năm 1929 tổ chức Việt Nam Cách Mạng thanh niên trong nhà máy được thành lập có 29 hội viên trong tổng số 168 hội viên toàn tỉnh, chiếm gần 18%, trên cơ sở đó sớm hình thành Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Nam Định, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ngày 25 tháng 03 năm 1930 của hơn 4.000 công nhân nhà máy Sợi Nam Định đã diễn ra trong 21 ngày liên tục. Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, kẻ thù đã buộc phải chấp nhận các yêu sách của công nhân.

    Ngày 25 tháng 03 đã đi vào lịch sử vẻ vang và trở thành ngày Hội truyền thống đấu tranh cách mạng và là niềm tự hào của đội ngũ công nhân Dệt Nam Định. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công nhân nhà máy đã dũng cảm tổ chức nhiều cuộc mít tinh đấu tranh để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, ngày 1/7/1954 bọn chủ tư bản buộc phải trao chiếc chìa khóa nhà máy cho đội ngũ công nhân. Đội ngũ công nhân đã được đổi đời, từ kiếp nô lệ, tủi nhục, nay trở thành người công nhân làm chủ nhà máy, làm chủ cuộc đời mình, được sống trong độc lập, tự do.



    II.Những chặng đường phát triển

    Sau ngày hòa bình vào tháng 10/1954, Đảng và Chính phủ đã quyết định khôi phục các nhà máy sợi, dệt, nhuộm – đặc biệt là các xưởng máy tại thành phố Nam Định và xây dựng nhiều cơ sở sản xuất mới trên miền Bắc như dệt 8/3, dệt kim Đông Xuân, dệt vĩnh Phú, dệt vải công nghiệp, dệt len Hải Phòng.v.v

    Tiếp sau ngành công nghiệp dệt, ngành may công nghiệp nước ta hình thành muộn hơn vào những năm cuối của thập kỷ 50. Những năm 1956 – 1958, ở phía Bắc mới có 2 xí nghiệp may với sản lượng hàng năm chỉ khoảng vài trăm ngàn sản phẩm, chủ yếu là hàng may sẵn phục vụ nhu cầu nội địa. Tại miền Nam, ngành may công nghiệp hình thành từ năm 1971 với 6 xí nghiệp may phục vụ cho xuất khẩu.

    Trong những năm từ 1955 – 1975 khi đất nước còn bị chia cắt thì ngành Dệt phía Bắc được phát triển tập trung ở thành phố Nam Định, Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Vĩnh Phú. Còn ở phía Nam được phát triển tập trung ở Sài Gòn cũ trong các quận huyện Chợ Lớn, Tân Bình, Thủ Đức, Biên Hòa và các tỉnh miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam), các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Minh Hải) v.v.

    Sau ngày thống nhất nước nhà (30.4.1975), ngành Công nghiệp Dệt may Việt Nam có những thuận lợi mới để phát triển về qui mô, chủng loại mặt hàng và chất lượng sản phẩm. Ngành được tiếp quản toàn bộ các cơ sở sản xuất dệt, may với công nghệ tương đối hiện đại ở các tỉnh phía Nam và đầu tư xây dựng nhiều nhà máy mới – qui mô lớn trên phạm vi cả nước nhàm bảo đảm các chương trình hợp tác sản xuất giữa các nước trong hội đồng tương trợ kinh tế (CAEM) như : sợi Hà Nội, sợi Vinh, sợi Huế, sợi Nha Trang, dệt Minh Khai, dệt kim Hoàng Thị Loan v.v. và nhiều cơ sở may ra đời theo Hiệp định 19/5 v.v.

    Chính nhờ vậy, mặc dù vào những năm 80 đất nước bị khủng hoảng nhưng ngành Công nghiệp Dệt may vẫn phát triển ổn định, duy trì sản xuất và thực hiện thắng lợi ba kế hoạch 5 năm (1976 – 1980, 1981 – 1985 và 1986 – 1990), bảo đảm được các cân đối lớn của nhà nước như nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra và nhu cầu thiết yếu của nhân dân và quốc phòng.

    Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành Dệt may tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước bằng những đóng góp lớn vào việc thu dụng lao động và ổn định đời sống xã hội cũng như đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu. Ngành hiện sử dụng trên 2 triệu lao động – trong đó hơn 1,3 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỉ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước và đạt kim ngạch xuất khẩu

    11,2 tỉ USD/năm 2010, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với mức đóng góp trên 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trên bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới, dệt may Việt Nam cũng đã vươn lên rất nhanh: Năm 1995 Dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 850 triệu USD và chưa có tên trong bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới, thì đến năm 2010 đã xuất khẩu trên 11 tỷ USD. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 vào thị trường Hoa Kỳ, thứ 3 tại thị trường Nhật Bản, thứ 9 tại thị trường EU.

    Sự  bùng nổ xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam trong 15 năm qua đã gắn liền với sự ra đời và phát triển của Tổng công ty dệt may Việt Nam (được thành lập theo quyết định 253/QĐ – TTg, ngày 29 tháng 4 năm 1995 trên cơ sở hợp nhất từ Tổng công ty Dệt Việt Nam và Liên hợp SX –XNK May Việt Nam. Ngày 05 tháng 12 năm 2005, thủ tướng chính phủ đã có quyết định 136/QĐ –TTg về việc chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động từ Tổng công ty thành Công ty mẹ - Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex).

    Vinatex là Tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ/con với công ty mẹ Vinatex là doanh nghiệp nhà nước và trên 100 công ty con là các công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty Liên doanh trong và ngoài nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư của Vinatex ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù chiếm 9% về lao động, nhưng Tập đoàn Vinatex đã chiếm 97% sản lượng bông hạt, 33% sản lượng sợi, 32% sản lượng vải, 13% sản lượng may và 18% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

    Qua vị trí và các hoạt động cụ thể của mình, có thể nói Vinatex đã khẳng định là đơn vị hạt nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của ngành Dệt may Việt Nam:

    Một là Vinatex và hệ thống các công ty con của mình đã đóng góp tích cực cho sự ra đời và hoạt động của Hiệp hội Dệt may Việt Nam ( Vitas) từ năm 1998. Tập đoàn đã sát cánh cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong các hoạt động xây dựng chiến lược và các chương trình phát triển cho toàn ngành (Vinatex là tổ chức tham mưu chính cho Chính phủ trong các Quyết định 55/CP , 36/CP…về chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam) tham gia tích cực vào hoạt động các tổ chức dệt may quốc tế và khu vực. Đặc biệt là phối hợp có hiệu quả với các Bộ ngành và các tổ chức trong nước và nước ngoài trong việc vận động đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may tại Việt Nam, xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu và chống các rào cản thương mại quốc tế.

    Hai là Vinatex với sức mạnh toonge hợp của mình về tài chính, kỹ thuật, thị trường, cán bộ, đã hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho các đơn vị khó khăn ở các địa phương.

    Ba là vinatex đã kết hợp để phát triển ngành dệt may với hầu hết các địa phương trong cả nước nhằm thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp địa phương và tái cấu trúc ngành dệt may. Vinatex đã tổ chức thành công 5 khu công nghiệp dệt may nhằm phát triển ngành dệt may theo chiến lược của Chính phủ.

    Bốn là Vinatex là tổ chức tham gia chính trong Hiệp hội dệt may Việt Nam để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng hình ảnh ngành thời trang Việt Nam, đã góp phần tích cực trong việc xây dựng hình ảnh ngành dệt may Việt Nam Chất lượng – Trách nhiệm xã hội – Thân thiện môi trường trên thị trường thế giới. Hơn nữa, qua công ty Vinatex Mart, hệ thống bán lẻ các sản phẩm thời trang đã và sẽ phủ kín các tỉnh thành, thị trấn trong cả nước.

    Năm là Vinatex với hệ thống 5 trường Cao đẳng dệt may thời trang và 3 Viện nghiên cứu đã đóng góp tích cực vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo chủ lực cho toàn ngành.

    Sáu là Vinatex luôn đi đầu trong việc thực hiện chương trình đổi mới mô hình và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may. Bắt đầu thực hiện chương trình sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp từ năm 2001, đến nay Vinatex đã cổ phần hóa được trên 95% các đơn vị thành viên.

    Bảy là Vinatex và các công ty con của mình là hình mẫu của ngành trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, mối quan hệ lao động hài hòa và chính sách xã hội. Vinatex thực hiện tích cực tốt các hoạt động xã hội, từ thiện. Thực hiện NQ 30a của chính phủ, Vinatex đang tích cực hỗ trợ huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang và chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp Dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo Tổ quốc.

    Với những thành tựu đã đạt được, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã có 6 đơn vị thành viên và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới, 6 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hàng năm tặng huân chương các loại cho tập thể cá nhân. Riêng công ty mẹ Tập đoàn nhiều năm liền được tặng cờ thi đua của Chính phủ, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2010 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 và Huân chương Sao Vàng năm 2010.

    III.Hướng tới tương lai

    Trong vòng 10 – 20 năm tới, ngành Dệt may Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ đã đặt mục tiêu ngành Dệt may Việt Nam nằm trong top 5 các nước sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu 25 tỉ USD và tỉ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010. Chắc chắn Vinatex với kinh nghiệm và lực lượng đã có càng khẳng định vị trí hạt nhân của mình trong việc thực hiện mục tiêu nói trên.

    Với những đóng góp to lớn của trên một triệu lao động trong ngành cùng sự thành công, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, ngành Dệt may Việt Nam dần từng bước khẳng định một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Việc lấy ngày 25 tháng 03 làm ngày truyền thống hàng năm của ngành Dệt may Việt Nam là để các thế hệ người lao động ôn lại truyền thống quý báu trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước và tự hào phấn đấu vì một Ngành Dệt may Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

    Năm 2011 là năm đầu tiên, ngành tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống vẻ vang của mình, thay mặt Ba chấp hành Đảng ủy, hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Vũ Đức Giang – bí thư Đảng Ủy, chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã gửi lời kêu gọi toàn thể những người lao động trong toàn ngành từ lãnh đạo quản lý đến cán bộ công nhân viên hãy đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác, thực hành tiết kiệm, tìm nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngay từ tháng đầu, quí đầu, tiến tới hoàn thành nhiệm vụ năm 2011 với kim ngạch xuất khẩu trên 13 tỷ USD (trong đó Vinatex hơn 2,3 tỷ USD) – là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 và cũng là năm đầu đưa nghị quyết của Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh đi vào cuộc sống nhằm xây dựng một nước Việt Nam – dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.