hoa sen

Tổ nghề may: Thánh sư Nguyễn Thị Sen
Ngày giỗ tổ: 12 tháng chạp hàng năm (12/12 âm lịch)
Đền thờ tổ tại: làng Trạch Xá - xã Hòa Lâm - Ứng Hòa - Hà Nội

Thướt tha áo dài Trạch Xá

    Trong bạt ngàn làng nghề may áo dài truyền thống trên khắp dải đất hình chữ S mến thương này, thương hiệu Trạch Xá chiếm một vị trí trang trọng.

    Những người thợ tài hoa, khéo tay của làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội đã và đang tỏa đi muôn nẻo quê hương mang cây kéo, đường kim mũi chỉ góp phần tôn lên vẻ đẹp nền nã của các bà, các mẹ, các chị, các em gái mến thương bằng những tà áo dài thướt tha, đầy màu sắc.

    Hồn cốt

    Theo lời các bậc trưởng thượng trong làng thì nghề may áo dài đã xuất hiện ở Trạch Xá từ lâu lắm rồi. Tổ nghề là bà Nguyễn Thị Sen - người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang nức tiếng trong làng, là thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng - đã may mắn học được nghề trong cung vua, và mang về truyền dạy cho nhân dân làng. Từ đó đến nay, cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, nghề may gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng.

    Chị Nguyễn Thanh Bình, con dâu thứ ba của nghệ nhân Lê Văn Hào, thương hiệu Mỹ Hào ở 82 Cầu Gỗ, Hà Nội, đang chọn vải

    Xưa kia, thợ may Trạch Xá đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, người dân trong làng vẫn truyền tụng những giai thoại về những nghệ nhân của làng: ông Tạ Văn Khuất mới 30 tuổi đã vinh dự được vào cung may áo cho vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Kỳ thú ở chỗ, dù chỉ được đứng từ xa để ước lượng tỉ lệ nhưng ông vẫn may được hai bộ áo vừa vặn, đẹp mắt, được vua và hoàng hậu ngợi khen, ban thưởng. Chuyện về những thợ may giỏi của làng được vua chúa nhà Nguyễn triệu vào cung để may Hoàng bào, may áo dài cho vua chúa và dạy nghề cho con cháu trong hoàng tộc v.v. thì nhiều vô kể.

    Người Trạch Xá, bất kể nam, nữ, 10 tuổi đã biết cầm kim chỉ khâu áo, 15 tuổi đã có thể cắt may thành thạo chiếc áo dài phụ nữ. May được chiếc áo dài phụ nữ đẹp phải có năng khiếu. Đối với một thợ may giỏi phải biết xem xét kỹ lưỡng dáng người gầy, béo, vai xuôi, vai ngang, ngực và eo to hay nhỏ để may.

    Tấm áo dài Trạch Xá còn có những chuẩn mực hết sức khắt khe nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những hoạ tiết trang trí... Một trong những nét độc đáo của áo dài Trạch Xá là tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công: khâu tay, thùa khuy đơm khuyết cũng bằng tay mà mũi chỉ vẫn đều, không căng, không chùng và thẳng tăm tắp. Các nghệ nhân lão luyện kể rằng, khó nhất có lẽ là may những đường luôn (đường tà), nên ở Trạch Xá ai cũng thuộc lòng câu “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩ là phải khâu đường tà sao cho mũi kim chỉ trong nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không lộ đường chỉ... Để có những mũi chỉ như thế, người Trạch Xá đã phát minh ra cách cầm kim dọc làm đường kim sẽ không bao giờ bị chệch hướng và đều. Tuy nhiên, có đường tà đẹp vẫn chưa đủ mà việc đo và cắt sao cho “ngang cánh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết góp phần làm những chiếc áo dài của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại, tha thướt. Tất cả các công đoạn may áo dài của nghệ nhân Trạch Xá đều hoàn toàn là thủ công. Ngoài những tiêu chuẩn chung, mỗi gia tộc, mỗi nghệ nhân lại sở hữu những bí quyết riêng. Thậm chí, mỗi lần may một chiếc áo dài là một lần thoát thai một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt của mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ. Hồn cốt thì không đổi nhưng phong thái thì mỗi lần mỗi khác. Chính điều này cũng góp phần làm tà áo dài Trạch Xá thêm muôn phần kỳ thú.

    Nghề may của Trạch Xá cũng trải qua những thăng trầm, thập kỷ 60 của thế kỷ trước nghề này rất phát triển, năm 1960 xã đã thành lập một HTX may thu nhận những người thợ vào làm việc, đến năm 1967, HTX giải thể do chiến tranh. Từ năm 1990 đến nay, nghề may của Trạch Xá đã tìm lại được chỗ đứng trên thị trường. Người Trạch Xá dù đi hành nghề nơi đâu thì cũng đều giữ cốt cách của nghề tổ và đặc biệt, họ thể hiện lòng tự hào và cũng là tự trọng nghề nghiệp ngay từ việc gắn tên làng trên biển hiệu. Những cái tên cửa hiệu: Mỹ Trạch, Vạn Trạch, Phương Trạch, Đức Trạch, Phúc Trạch, Long Trạch, Vinh Trạch hay Mỹ Vinh, Mỹ Hào, Mỹ Trạch, Mỹ Vạn v.v. xuất hiện ngày một nhiều và nức tiếng gần xa là vì lẽ ấy.

    Nhịp nhàng mũi chỉ đường kim

    Đã 80 tuổi nhưng ông Lê Văn Hào, chủ tiệm may áo dài Mỹ Hào ở số 82, phố Cầu Gỗ, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội vẫn còn vượng, thông tuệ và tinh anh. Ngày ngày ông vẫn nhịp nhàng lượn mũi kéo, đều mũi chỉ đường kim trên những mảnh tơ lụa, gấm, nhung để tô đẹp cho những khách hàng thanh lịch. Ông Hào sinh ra và lớn lên tại làng Trạch Xá, năm 14 tuổi được hai người bác ruột là cụ Mỹ Thịnh và Mỹ Trạch dạy cắt may, uốn nắn từng đường kim mũi chỉ. Cần cù và sáng dạ nên cậu bé Hào chẳng mấy chốc đã học hết vốn thầy. Đến năm 15 tuổi ông đã cắt, may áo dài phụ nữ thành thạo. Năm 20 tuổi, ông Hào đã mở hiệu cắt may áo dài phụ nữ đặt tên hiệu là Mỹ Hào tại số nhà 82, phố Cầu Gỗ được khách hàng tín nhiệm, đến cắt may rất đông. Năm 1960, ông Hào được đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam và đoàn Ca múa nhạc Trung ương tuyển vào chuyên làm việc cắt may quần áo phục trang để phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Ông tâm sự: “Ngót 63 năm trong nghề với bao thăng trầm khi bởi chiến tranh, khi do điều kiện kinh tế, nhưng dễ đến 10 năm nay nghề của chúng tôi đã bắt đầu ổn định và có phần phát triển mạnh. Đơn giản là bởi xã hội phát triển, người dân có kinh tế nên việc mỗi bà, mỗi chị có một vài chiếc áo dài để mặc trong ngày lễ tết hoặc trong dịp đầu xuân mới là chuyện rất đỗi bình thường, bởi vậy những người làm nghề như chúng tôi có việc làm thường xuyên và có điều kiện để sống với nghề và phát huy nghề của cha ông để lại. Gia đình chúng tôi có ba đời làm nghề ở phố này. Khi con cái trưởng thành, chúng tôi tách hộ nên chỉ một đoạn ngắn ở phố Cầu Gỗ đã có ba hiệu may của làng Trạch Xá, đó là: Mỹ Hào, Mỹ Vinh, Mỹ Vạn. Tuy mỗi hiệu may có một bí quyết nghề nghiệp riêng nhưng khi cần thiết, vẫn hỗ trợ nhau về mặt chuyên môn”.

    Vì đặc thù nghề nghiệp nên người Trạch Xá chỉ nhận những người trong gia tộc, trong làng vào làm; những bí quyết nghề nghiệp thì chỉ truyền cho con trai và con dâu. Chị Nguyễn Thanh Bình là con dâu thứ ba của ông Hào, được bố chồng yêu mến và hết lòng chỉ bảo nên chị cũng đã là một nghệ nhân tay nghề cao, một nhà quản lý tài ba, tiếp bước bố chồng làm thương hiệu Mỹ Hào mãi ngát hương.

    Anh Hiến, chủ hiệu may Đức Trạch ở số 6 Lương Văn Can, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội lập nghiệp tại Hà Nội từ trước cách mạng tháng tám, đến nay gia đình anh đã có ba đời sinh sống và làm nghề may áo dài tại phố này. Hơn ai hết, anh Hiến rất tự hào với nghề truyền thống của quê hương anh bởi hơn 10 năm về trước Đức Trạch là cửa hàng may áo dài duy nhất tại phố này. Anh Hiến giảng giải: “Áo dài phải thể hiện được nét truyền thống của tà áo cho dù có cách điệu đến mấy”. Thương hiệu áo dài Đức Trạch đã nổi tiếng đến độ các hãng thời trang của Trung Quốc đến đặt hàng, nhiều người mẫu, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng là khách quen của Đức Trạch.

    Hai anh em Kiên và Phú thì không đi làm ăn xa mà mở xưởng may áo dài ngay ở làng nhưng mạng lưới tiêu thụ thì để tỏa khắp Hà Nội, Hải Phòng, đáp ứng những đơn đặt hàng cả từ áo dài lễ hội, áo dài cổ đến áo dài công sở. Để tạo nên vẻ đẹp của những chiếc áo dài phù hợp với dáng dấp thời đại và dáng vẻ mỗi người, Kiên đã thủ đắc cho mình những bí quyết: “Từ năm 90, áo dài rắc lăng mới thịnh hành thì làng em làm đầu tiên. Giờ các nhà thiết kế sáng tạo ra nhiều kiểu dáng, chất liệu cách tân, mình phải có thêm kinh nghiệm may thế nào cho mỗi người hợp với kiểu dáng nào, chất liệu nào. Áo đẹp phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý chất liệu. Đã có lần người ta đưa vải chất liệu nước ngoài, tôi cắt như với chất liệu vải Việt Nam, thế là bị xấu, phải sửa…”.

    Vật đổi sao dời, thị hiếu mỗi thời mỗi khác, nhưng lạ thay, đời tiếp đời, các thế hệ nghệ nhân làng Trạch Xá vẫn luôn biết cách lấy lòng khách hàng bằng những chiếc áo dài mềm mại, đa sắc.

    Phát triển vững bền

    Làng Trạch Xá có 310 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu thì đã có hơn 75% số hộ dân chuyên làm nghề may áo dài, thu nhập bình quân đầu người gần đạt mức 5,2 triệu đồng/năm.

    Ông Tạ Duy Mạnh, chủ nhiệm Hợp tác xã may Trạch Xá cho biết, hiện tại cả làng có hơn 100 người mở hiệu may ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh… thu hút hơn 600 lao động là con em của làng làm việc và ngoài ra còn tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động vệ tinh làm việc ngay tại làng. Hiện nay, Trạch Xá có 10 hộ gia đình chuyên đứng ra làm nhiệm vụ tìm nguồn hàng và bao tiêu sản phẩm cho bà con trong làng. Mỗi thợ may áo dài ở Trạch Xá trung bình mỗi ngày khâu được ba đến năm chiếc áo, đạt mức thu nhập từ 50.000 đến 60.000 đồng/người/ngày. Sản phẩm của làng cũng rất đa dạng, ngoài mặt hàng truyền thống là chiếc áo dài với hàng chục mẫu mã, kiểu dáng khác nhau: áo dài truyền thống, áo dài Huế, áo dài kiểu Lệ Xuân v.v., người thợ Trạch Xá còn cắt may thành thạo nhiều mặt hàng khác như áo kimono, áo kép, áo bông truyền thống. Sản phẩm áo khâu tay của Trạch Xá hiện được xuất khẩu sang rất nhiều nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ... Đặc biệt, Trạch Xá cũng là địa chỉ chuyên đảm nhận các hợp đồng may trang phục cổ cho các nghệ sĩ điện ảnh, các lễ hội khắp trong Nam ngoài Bắc. Mỗi năm, làng nghề may áo dài Trạch Xá xuất xưởng khoảng 800.000 chiếc áo dài, doanh thu hơn 9 tỉ đồng.

    Dân làng Trạch Xá cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn truyền thống của nghề; tôn tạo, đảm bảo cảnh quan môi trường cùng với việc nâng cao kiến thức cho người thợ làng nghề, giúp họ hiểu hơn nét đẹp văn hóa qua tà áo dài truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mà họ đang từng ngày, từng giờ tạo nên. Hơn 100 hộ dân tham gia làm nghề trong làng đều quy hoạch bố trí xưởng may hợp lý kết hợp với trưng bày sản phẩm đẹp mắt ngay tại xưởng. Bên cạnh đó, làng còn cử hai thanh niên có trình độ văn hóa, am hiểu về nghề đi học lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch để về trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu du khách đến tham quan làng nghề. Trạch Xá cũng đã xây dựng chương trình tham quan làng nghề với nhiều điểm nhấn nho nhỏ khá độc đáo như xem quy trình may áo dài của người thợ làng nghề, may áo dài nhanh không cần đo trực tiếp, xem trình diễn áo dài...

    Ở đại bản doanh Hà Nội ba sáu phố phường, không khí phát triển du lịch của các cửa hiệu áo dài Trạch Xá cũng rất sôi động. Bắt nhịp với phong cách kinh doanh hiện đại, nhiều cửa hiệu áo dài trên phố Lương Văn Can đã đầu tư công sức, tiền của để quảng cáo và giao dịch trên mạng internet, mở dịch vụ may áo dài qua mạng… hình thành một thương hiệu đắt giá cho con phố này - “Phố may áo dài cho Tây”. Trong con mắt các du khách ngoại quốc, con phố chạy dài một km trong khu phố cổ còn giữ nguyên vẻ trầm mặc, cổ kính và quý phái này là địa chỉ tin cậy để đặt may áo dài cho mình cũng như những người thân, với những nhà may nổi tiếng như Vinh Trạch, Phúc Trạch, Tân Trạch, Vĩnh Trạch. Các cửa hiệu có đủ loại vải cho khách lựa chọn nhưng phần lớn khách nước ngoài đều chọn gấm, lụa tơ tằm, có mức giá trung bình từ 30 đến 50 USD/chiếc trong khung giá từ 25 đến 100 USD/chiếc. Những cửa hiệu Mỹ Hào, Mỹ Vinh, Mỹ Vạn, Long Trạch, Đức Trạch… trên phố Cầu Gỗ, cũng là điểm đến của đông đảo du khách. Họ không chỉ đến đặt may áo dài mà còn để chiêm ngưỡng đôi bàn tay thuôn mềm của nghệ nhân Trạch Xá lướt nhẹ trên những suối lụa mềm, để hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa phi vật thể của chiếc áo dài Việt Nam.

    Người Trạch Xá, dù đi đâu, về đâu, vẫn một lòng đam mê và gìn giữ nghề may áo dài như một báu vật mà cha ông đã truyền lại để góp phần làm đẹp cho đời, làm rạng danh nghề khéo Việt Nam.

    Người Trạch Xá dù đi hành nghề nơi đâu thì cũng đều giữ cốt cách của nghề tổ và đặc biệt, họ thể hiện lòng tự hào và cũng là tự trọng nghề nghiệp ngay từ việc gắn tên làng trên biển hiệu. Những cái tên cửa hiệu: Mỹ Trạch, Vạn Trạch, Phương Trạch, Đức Trạch, Phúc Trạch, Long Trạch, Vinh Trạch hay Mỹ Vinh, Mỹ Hào, Mỹ Trạch, Mỹ Vạn v.v. xuất hiện ngày một nhiều và nức tiếng gần xa là vì lẽ ấy.
    -----------------
    Kiều Trang // Người Đô Thị