hoa sen

Tổ nghề may: Thánh sư Nguyễn Thị Sen
Ngày giỗ tổ: 12 tháng chạp hàng năm (12/12 âm lịch)
Đền thờ tổ tại: làng Trạch Xá - xã Hòa Lâm - Ứng Hòa - Hà Nội

Làng may áo dài trạch Xá

    Nằm trên vùng đất không xa đô thị nhưng vẫn còn nguyên dáng dấp của vùng quê Việt Nam thuần chất, làng Trạch Xá (xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) có nghề truyền thống may áo dài từ rất lâu đời.
     
     
     

    Người dân trong làng luôn ghi nhớ những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian về một bà tổ nghề Nguyễn Thị Sen - tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng với đôi bàn tay khéo léo và yêu thích may mặc đã học được nghề may trong cung vua. Bà đã truyền nghề cho dân làng để rồi nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng và về nghệ nhân mới 30 tuổi - ông Tạ Văn Khuất đã vinh dự được may áo cho Nam Phương Hoàng hậu trở thành câu chuyện đẹp, một niềm vinh dự để áo dài Trạch Xá nổi tiếng và vang xa.

     

    Làng nghề may áo dài Trạch Xá cha truyền con nối, cách học và truyền nghề này càng giúp cho người Trạch Xá yêu và gắn bó hơn với nghề. Trước năm 1980 nghề may áo dài Trạch Xá phát triển mạnh mẽ. Đến làng Trạch Xá thời gian này, đâu đâu cũng thấy những tà áo dài mềm mại treo trong nhà, ngoài phố. Trẻ con 8 tuổi đã bắt đầu làm quen với việc đơm cúc, thêu áo... Những đứa trẻ sáng dạ thì 15 tuổi đã có thể tự hào vì mình đã may được một chiếc áo dài đẹp. Nhiều gia đình đã gắn bó với nghề may áo dài. Mỗi nhà một bí quyết, người cao tuổi truyền lại cho giới trẻ bởi vậy mà tinh hoa ngàn đời được tích tụ lại, được nhân rộng với sự sáng tạo để mang đến những tà áo dài đẹp, sang trọng, khoe nét duyên dáng tuyệt vời của người phụ nữ Hà Nội. Thật đúng như ái đó đã nói: Giống như mảnh đất Bắc Ninh, tạo hoá ban cho dòng nước mát lành để con gái con trai nơi đây có giọng hát quan họ ngọt ngào chẳng đâu sánh bằng thì đất Trạch Xá được ưu ái cho đôi bàn tay khéo léo, may những tà áo dài đẹp, nổi tiếng ít nơi sánh bằng.

     

    Cũng giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, Áo dài của Việt Nam cũng yêu cầu những chuẩn mực hết sức khắt khe nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những họa tiết trang trí... May áo dài khó nhất có lẽ là may những đường luôn (đường tà), nên ở Trạch Xá ai cũng thuộc lòng câu “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đên cũng không được nhìn thấy.... Để có những mũi chỉ như thế, người Trạch Xá đã phát minh ra cách cầm kim dọc làm đường kim sẽ không bao giờ chệch hướng và đều. Tuy nhiên có đường tà đẹp vẫn chưa đủ mà việc đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết góp phần làm những chiếc áo dài của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại hơn, tha thướt và thực sự quyến rũ hơn.


    Làm nghề, người làng càng yêu nghề. Không chỉ để áo dài phát triển trong làng, người làng tìm cách mang áo dài giới thiệu khắp mảnh đất Hà Nội, vào Nam, ra thế giới. Đã có rất nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến Trạch Xá, không chỉ để đặt mối quan hệ hợp tác đưa sản phẩm Áo dài của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới, mà còn để chiêm ngưỡng những đôi bàn tay, những ngón tay búp măng đang lướt nhẹ trên những suối lụa mềm, để hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa phi vật thể của chiếc áo dài Việt Nam. Còn đối với người Trạch Xá, dù đi đâu, họ vẫn luôn yêu quý và gìn giữ nghề như một báu vật mà cha ông đã truyền lại, một nghề mà họ luôn tự hào có thể đem lại cho phụ nữ cái đẹp mãi trường tồn cùng dân tộc, trường tồn cùng năm tháng.

     

    • TNĐT (g/t) // Báo Thái Nguyên