
Vấn vương áo dài làng Trạch
Những thiếu nữ khi mặc áo dài tự hào về vẻ đẹp quê hương bao nhiêu thì những người may áo dài làng Trạch Xá hân hoan bấy nhiêu khi chính họ đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh Việt Nam.
Giờ đây, những người yêu áo dài làng Trạch không phải tìm đến tận huyện Ứng Hoà (Hà Nội) mới may được áo dài. Trên các con phố của Thủ đô như: Lương Văn Can, phố Huế, Cầu Gỗ có những tiệm may áo dài với biển hiệu “Áo dài làng Trạch” luôn rất đông khách. Tiếng vang của một làng nghề nổi tiếng cùng đôi bàn tay khéo léo của người thợ may áo dài làng Trạch đã mang đến những cảm nhận mới mẻ cho người mặc.
Nghề cha truyền con nối
Áo dài Trạch Xá có từ rất lâu đời. Người dân trong làng luôn ghi nhớ những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian về một bà tổ nghề Nguyễn Thị Sen - thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng - với đôi bàn tay khéo léo và yêu thích may mặc đã học được nghề may trong cung vua.
Bà đã truyền nghề cho dân làng để rồi nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng. Chuyện nghệ nhân 30 tuổi - ông Tạ Văn Khuất được may áo cho Nam Phương Hoàng hậu đã trở thành câu chuyện đẹp, một niềm vinh dự để áo dài Trạch Xá nổi tiếng và vang xa.
Cách học nghề may áo dài Trạch Xá theo lối cha truyền con nối này càng giúp cho người Trạch Xá yêu và gắn bó hơn với nghề. Trước năm 1980, nghề may áo dài Trạch Xá phát triển mạnh.
![]() |
Truyền lại nghề cho con cháu |
Đến làng Trạch Xá thời gian này, đâu đâu cũng thấy những tà áo dài mềm mại treo trong nhà, ngoài phố. Trẻ con 8 tuổi đã bắt đầu làm quen với việc đơm cúc, thêu áo... Những đứa trẻ khéo léo thì 15 tuổi đã có thể tự hào vì tự tay may được một chiếc áo dài đẹp.
Nhiều gia đình ở làng Trạch gắn bó với nghề may áo dài. Mỗi nhà một bí quyết, người cao tuổi truyền lại cho giới trẻ, bởi vậy mà tinh hoa ngàn đời được tích tụ lại, được nhân rộng với sự sáng tạo để mang đến những tà áo dài đẹp, sang trọng, khoe nét duyên dáng của người phụ nữ Hà Nội.
Thướt tha tà áo quê hương
Không chỉ để áo dài phát triển trong làng, người làng tìm cách mang áo dài giới thiệu khắp Thủ đô, vào Nam, rồi ra thế giới. Đất Trạch Xá trân trọng những con người đã gắn bó và tạo tiếng vang cho làng nghề. Nơi đây, nhiều người luôn nhắc đến cô Thuý Hồng, con gái của nghệ nhân Tạ Đức Tiến - người đã dành cả cuộc đời mình cho áo dài.
Giống như những đứa trẻ nơi Trạch Xá, 10 tuổi, Thuý Hồng đã yêu nghề may áo dài và thức trắng đêm để học may. Không dừng lại ở làng Trạch Xá, Thúy Hồng đã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, sang Trung Quốc và một số nước để tìm hiểu về phong cách ăn mặc của thế giới, sau đó trở về Việt Nam để cách tân tà áo dài.
Chắt lọc những tinh tế nhất của áo dài truyền thống với thời trang hiện đại, Thuý Hồng đã thiết kế những chiếc áo dài mang nét đẹp vừa sang trọng, vừa gần gũi. Đặc biệt, Thuý Hồng sẵn sàng truyền dạy bí quyết cho những người trẻ, những người đam mê và yêu nghề. Không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi giờ đây không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng đã đến đặt áo dài của chị để mặc, để làm quà cho người thân.
Theo nghệ nhân Tạ Đức Tiến, để có được những tà áo dài đẹp, người may phải trải qua 13 công đoạn, phải tập trung tinh lực và phải thực sự khéo léo, tinh tế, nhanh nhạy để tìm được cá tính trên vóc dáng của người mặc.
Những hiệu may áo dài của làng Trạch Xá trên các con phố Thủ đô luôn đông khách. Tất cả đều mang trong mình một khát khao giữ vững, phát triển và truyền nghề cho lớp lớp thế hệ mai sau. Những thiếu nữ khi mặc áo dài tự hào về vẻ đẹp quê hương bao nhiêu thì những người may áo dài làng Trạch Xá hân hoan bấy nhiêu khi chính họ đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh Việt Nam./.