hoa sen

Tổ nghề may: Thánh sư Nguyễn Thị Sen
Ngày giỗ tổ: 12 tháng chạp hàng năm (12/12 âm lịch)
Đền thờ tổ tại: làng Trạch Xá - xã Hòa Lâm - Ứng Hòa - Hà Nội

Cây lanh - Một biểu tượng trong văn hóa dân gian Mông

    Biểu tượng là một đơn vị cơ bản của văn hóa, văn hóa là một tập hợp hệ thống các biểu tượng, do đó nghiên cứu văn hóa cần được coi trọng nghiên cứu biểu tượng. Giải mã được các biểu tượng , tìm hiểu được các biểu tượng là tạo được chìa khóa mở cánh cửa bản sắc văn hóa các dân tộc. 

    Văn hóa dân gian tộc người Mông giàu bản sắc, xuất hiện nhiều hệ thống cây (có các biểu tượng cây tre, cây lanh, cây thuốc phiện, cỏ tranh, ngải cứu, cây ngô, cây kê, cây quả bầu...) biểu tượng về hệ thống loài vật (con gà, con trâu, con ngựa, cái ô, tù và, cái giường,... Các biểu tượng trên có tần số xuất hiện nhiều trong nghi lễ, tín ngưỡng phong tục tập quán và văn học dân gian, bài này chúng tôi tập trung giải mã một biểu tượng tiêu biểu là cây lanh trong văn hóa dân gian dân tộc Mông.

    1. Cây lanh (chaoz mangx) thuộc họ gai mèo, có tên gọi khác là cây “áma”. Đây là loại cây lấy sợi làm vải mặc của người Mông. Biểu tượng tấm vải lanh đã được Bùi Xuân Tiệp giải mã(1), đồng thời cũng được Lê Trung Vũ phân tích(2). Nhưng các tác giả chủ yếu giải mã biểu tượng lanh trong lễ hội Gầu tào và dân ca Mông. Trong chuyên đề này chúng tôi tìm hiểu biểu tượng cây lanh phản ánh trong các loại hình văn hóa Mông. Nhưng điều quan trọng hơn là nhằm phân tích các chức năng của biểu tượng cây lanh (và các sản phẩm của lanh) trong đời sống văn hóa Mông.

    2. Nhu cầu quan trọng để duy trì sự sống của con người là nhu cầu về ăn và mặc. Cây lanh nhằm đáp ứng nhu cầu mặc. Và từ cuộc sống đời thường, cây lanh trở thành cây thiêng trong tín ngưỡng Mông. Sợi dây trở thành vật dẫn đường nối thế giới đang sống (thực tại) với thế giới tổ tiên, thần linh (siêu nhiên). Bất kỳ ngôi nhà của ông thầy cúng “Txir nênhz” (saman) nào cũng đều phải được trang trí bằng sợi lanh vắt qua các cây tre. Nhà thầy cúng Mông đơ (trắng) bắc 3 cây tre. Nhà thầy cúng Mông si ở cuối xã Suối Vàng Văn Chấn Yên Bái bắc 4 cây tre nhỏ có cả lá, cả gốc. Ngọn tre có lá đặt bên trái bàn thờ, gốc quay về bên phải. Bốn cây tre được buộc ở bốn vị trí khác nhau: Một cây bắc ngang phía trên bàn thờ thầy cúng (tha nếnh) một cây bắc ngang phía trên cửa chính, hai cây bắc trên móc nhà (dưới xa lóc), các dây được nối với nhau bằng 3 sợi lanh. Các sợi lanh là những dây dẫn đường cho các hồn ma phụ tá thầy cúng từ thế giới siêu nhiên về ngự ở bàn thờ. Đồng thời khi xuất hồn đi tìm hồn ma, hồn của thầy cúng cũng đi theo các sợi lanh sang thế giới bên kia.

    Sợi cây lanh cũng là sợi dây dẫn đường giao linh hồn của vật dâng cúng cho người chết. Trong lễ tang (ma tươi) người Mông khi mổ lợn, mổ trâu dâng cúng người chết, gia đình tang chủ phải buộc sợi lanh vào cổ trâu, lợn, nối với cổ tay người chết.

    Như vậy, vật hiến tế qua cây cầu là sợi lanh sẽ sang thế giới bên kia, dâng cho người chết. Thầy sa man muốn nhìn thấy thế giới bên kia, xuất hồn đi vào thế giới siêu nhiên phải có tấm vải lanh đen phủ trên mặt. Tấm vải lanh cũng là phương tiện giúp thầy sa man sang thế giới của ma (thế giới siêu nhiên), chức năng dẫn đường nối hai thế giới thực tại và siêu nhiên được phản ánh trong nhiều nghi lễ cầu cúng chữa bệnh, giải hạn “sàu su, thi su” cầu mùa... của người Mông.

    3. Lanh còn là vật bảo vệ người Mông. Hàng năm, trước khi vào mùa phát nương, làm rẫy, người Mông ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An tổ chức lễ cúng bảo vệ hồn những người trong gia đình. Toàn bộ thành viên gia đình phải ở trong nhà khi làm lễ cúng. Thầy cúng lấy sợi dây lanh bôi máu chó buộc xung quanh vách nhà với ý niệm hồn của mọi người được bảo vệ, không gặp tai nạn khi làm nương rẫy. Người Mông ở xã San Sả Hồ Sa Pa tổ chức lễ giải hạn “Tù sú” lễ “Tù sú” tổ chức theo theo từng dòng họ. Trong nghi lễ của họ Sùng, người trưởng họ dùng một tấm vải lanh trắng nhúng nước thiêng cúng gà, cầu mong thần linh nhập vào tấm vải lanh và che trở cho các thành viên dòng họ. Kết thúc buổi lễ, trưởng họ dùng kéo cắt vải lanh thành nhiều mảnh phát cho từng hộ gia đình. Các gia đình chôn mảnh vải lanh trước cửa nhằm tạo ra bức tường vô hình ngăn chặn ma ác vào nhà. Riêng trưởng họ lại treo tấm vải lanh trước cửa chính trừ tà ma cho cả dòng họ. Lanh không chỉ bảo vệ người trong thế giới hiện tại mà còn là thứ vũ khí diệu kỳ giúp linh hồn người chết vượt muôn ngàn thử thách tìm về với thế giới của tổ tiên. Trong “Bài ca chỉ đường” (Tang ca – Kruôz) linh hồn người chết nhờ có cây lanh họ mới lên đến thế giới tổ tiên. Trên đường đi, linh hồn sẽ qua núi sâu róm nhưng nhờ có giống cây lanh, linh hồn đã vượt qua:

    Người đi gặp tổ tiên
    Người sẽ gặp rất nhiều con sâu
    Sâu to như chày giã gạo
    Sâu bù xù lông như đầu dê
    Người hán có vải lụa làm giày cho người đi
    Dẫm phải con sâu mà đi
    Người Mông không có vải lụa
    Người Mông lấy sợi lanh đan thành đôi giày
    Người dẫm lên đầu sâu
    Vượt núi sâu róm mà về với tổ tiên(3)”.

    Trên đường đi, linh hồn còn phải vượt qua núi đá rồng, đá hổ. Và cũng nhờ có túi sợi lanh, hồn người đã vượt qua:

    Mình sẽ đến nơi đá con rồng há mồm như hang động
    Ma ông bà tổ tiên lấy xâu sợi lanh nhét luôn vào mồm đá con rồng
    Mình cũng nhét sợi lanh vào miệng rồng
    Khi thấy đá con rồng ngậm mồm rồi mình cười cùng ma ông bà đi
    Mình sẽ đến nơi đá con hổ, đá con hổ há miệng rộng như hang đá
    Ma ông bà tổ tiên lấy xau sợi lanh nhét luôn vào miệng đá con hổ
    Mình cũng lấy xâu sợi lanh nhét luôn vào miệng đá con hổ
    Khi thấy đá con hổ đã ngậm miệng rồi mình mới cùng ma ông bà mình đi (4)

    Như vậy, lanh trở thành hành trang không thể thiếu của người Mông khi sang thế giới bên kia. Hành trình về với tổ tiên, đầy gian nguy, nhiều thử thách, lắm kẻ thù rình rập, nhưng nhờ có lanh, người Mông vẫn vượt qua.

    4. Lanh là tín hiệu văn hóa tộc người. Người Mông luôn tự hào về truyền thống sử dụng vải lanh. Trang phục trở thành tiêu chí phân biệt người Mông với các dân tộc khác. Người con dâu Mông trước khi về nhà chồng được mẹ đẻ tặng bộ trang phục thêu bằng vải lanh. Và khi về nhà chồng, con dâu có nghĩa vụ tặng bố mẹ chồng trang phục vải lanh. Đây là bộ trang phục bố mẹ chồng sẽ mặc sang thế giới bên kia. Theo quan niệm người Mông, người chết không mặc trang phục lanh, tổ tiên sẽ không nhận. Vì vậy, ngày nay, người Mông khi còn sống có mặc vải công nghiệp bằng sợi bông, sợi tổng hợp nhưng khi khuất núi về với tổ tiên phải mặc trang phục lanh.

    “Tổ tiên có hỏi mình ở trên trần gian về được cái gì đem theo
    Thì mình thưa:
    Con ở trần gian về, cái gì chẳng được
    Được một chiếc khăn lanh, một chiếc áo lanh
    Được một chiếc quần lanh, một thắt lưng lanh
    Một đôi giày lanh, một đôi xà cạp lanh”(5).

    Trong bài tang ca Mông lềnh Sa Pa người Mông thường nhấn mạnh:

    “Nữ người Hán biết kéo sợi, kéo ra sợi nhung sợi lụa
    Nữ người Hán biết dệt thành vải lụa, vải nhung
    ... Nữ người Mông chỉ kéo ra được sợi lanh, sợi đay
    Nữ người Mông dệt thành vải lanh, vải đay”(6)

    Hoặc:

    “Nữ người Sã lấy chồng, nữ mặc áo nhung
    Nữ người Mông lấy chồng, nữ mặc váy lanh”.

    Trang phục lanh đối với người Mông là trang phục đẹp nhất. Vải lanh của người Mông sánh ngang với gấm vóc, lụa điều của người Hán:

    “Nàng lớn lên ra ngoài
    Mặc ba bộ áo lanh sanh cùng ba bộ lụa Hán”(7)

    5. Biểu tượng cây lanh xuất hiện trong thơ ca dân gian với tần số cao nhất trong số các biểu tượng về cây lanh. Trong số các bài thơ ca giao duyên, thơ ca than thân (tiếng hát làm dâu, tiếng hát mồ côi) do Doãn Thanh sưu tầm có hơn 30 khổ thơ đề cập đến lanh (cây, sợi, guồng).

    Người phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh dệt vải, bó sợi lanh như là vật bất ly thân của người phụ nữ. Trên đường đi làm, trên đường đi gặp người yêu, hoặc nghe người yêu hát... người phụ nữ luôn xe lanh, nối sợi lanh. Vì vậy, biểu tượng nổi bật của lanh là biểu tượng về người phụ nữ Mông: cây lanh là hình ảnh của người phụ nữ, cuộn lanh phản ánh tính cách người phụ nữ, hạt lanh là số phận người phụ nữ... Người phụ nữ lấy chồng tốt thì:

    “Em như cây lanh xanh
    Mọc ở nơi đất phẳng”

    Hoặc lấy phải người chồng không xứng đôi:

    “Em lấy người chồng không xứng đôi
    Như hạt lanh nương tra vào bãi ruộng”

    Biểu tượng lanh xuất hiện trong thơ ca dân gian Mông (nhất là thơ ca giao duyên) với nhiều ý nghĩa, cung bậc khác nhau của tình yêu, tình vợ chồng như sự thủy chung, niềm hạnh phúc, sự chia lìa, nỗi bất hạnh, giận hờn, trách móc, an ủi v.v... Niềm hạnh phúc của vợ chồng là cùng trồng lanh dệt vải, thêu hoa văn:

    - “Mình ơi! Ví dù ta lấy được mình
    Mình làm vụ lanh đôi ta mặc lành”

    Nỗi thất vọng than thân như “guồng xa xe chỉ lanh”:

    “Guồng xa xe chỉ lanh
    Xe được sợi chỉ xoắn
    Dù mình biết biến, ta biến hóa
    Thì cũng như mặt trời ghẹo mặt trăng trên đỉnh non cao”.

    Niềm khao khát được hạnh phúc, chống trả sự chia lìa:

    “Giá thân em là sợi lanh, sợi tơ
    Anh cuốn vào người để sợi cùng anh ở
    Giá mình em là sợi lanh, sợi chỉ
    Anh cuốn vào người để sợi cùng anh đi”.

    Thậm chí khi tình yêu bị ngáng trở, nam nữ Mông sẽ vùng lên như cây lanh nhỏ bé nhưng lật đổ được cây thông, bảo vệ tình yêu:

    “Cây lanh đổ hất vào cây thông
    Cây thông đổ nhòa trên mặt đất
    Đôi ta kết bạn tình hạnh phúc đường này
    Ta chỉ có đường nói mà không có đường lìa”.

    Như vậy, lanh là biểu tượng đặc sắc của văn hóa Mông. Từ đời sống thường ngày, lanh đã vào thơ ca trở thành biểu tượng của người phụ nữ, của tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc. Biểu tượng cây lanh càng sâu sắc hơn khi cây lanh, vải lanh, sợi lanh được đặt ở vị trí trang trọng linh thiêng. Lanh thành cây thiêng, vật dẫn đường sang thế giới siêu nhiên, lanh là vũ khí thiêng trừ tà.

    (Vietnamscout)