hoa sen

Tổ nghề may: Thánh sư Nguyễn Thị Sen
Ngày giỗ tổ: 12 tháng chạp hàng năm (12/12 âm lịch)
Đền thờ tổ tại: làng Trạch Xá - xã Hòa Lâm - Ứng Hòa - Hà Nội

Lan Hương và duyên nợ với áo dài

    Mỗi bộ sưu tập đều xuất phát từ niềm đam mê, là quá trình làm việc miệt mài và sáng tạo không ngừng của chị.

    Với Lan Hương, tà áo dài là món quà quý của cha ông để lại, là quốc hồn quốc túy của dân tộc nên chị muốn làm cho chúng ngày một đẹp, văn minh, sâu sắc và ý nghĩa hơn. Chị đam mê áo dài, muốn hướng chúng tới một nét đẹp truyền thống thực thụ, không phải những chiếc áo dài mang tính cách tân quá nhiều. Chị mong muốn: "Áo dài phải thực sự là một tác phẩm để khi bất cứ ai nhìn vào cũng muốn được mặc, đó là lựa chọn số một trong những buổi tiệc hay ngày lễ quan trọng".

    Nhà thiết kế Lan Hương chia sẻ, mỗi bộ áo dài của chị xuất phát từ những cảm xúc khác nhau.

    Chị cho biết: "Yếu tố truyền thống quan trọng nhất để tạo ra một chiếc áo dài là kiểu dáng nhưng việc lựa chọn màu sắc cũng là một phần không thể thiếu. Tôi thích chọn tông màu ấm nhưng vẫn đảm bảo đủ độ nổi bật, mang màu sắc của sự hạnh phúc, phù hợp với mục đích của người sử dụng".

    Mỗi bộ sưu tập áo dài của chị xuất phát từ những cảm xúc khác nhau: "Khi chỉ là cảm hứng lúc bất chợt nhìn thấy một sự vật, sự việc; khi là tình yêu, là nhiệm vụ hay một sự nuối tiếc". Ví như: bộ sưu tập Huyền thoại Đông Hồ là sự tiếc nuối về làng tranh. Chị cảm nhận được hồn dân tộc rất độc đáo trong mỗi bức tranh nhưng lại bị nhiều vẻ đẹp khác lấn át và dần phôi phai. Rồi chị đã nảy ra ý tưởng khôi phục lại làng tranh đó trên tà áo dài.

    Hay như bộ sưu tập Phố cổ, đó là những cảm nhận sâu sắc của chị về khung cảnh sống xung quanh. Đầu tiên là những bức tranh sơn dầu về phố cổ của Bùi Xuân Phái, sau đó là về màu sắc và thẩm thấu vẻ đẹp phố cổ nên chị quyết định đưa chúng lên tà áo dài theo hoài niệm của mình. Và còn nhiều bộ sưu tập khác như: Rồng thiêng; Lối hoa; Mùa sen... Mỗi một bộ sưu tập của chị đều xuất phát từ niềm đam mê đã lựa chọn.

    Năm 2010, Nhà thiết kế Lan Hương đã cho ra mắt hai chiếc áo dài kỷ lục với kích thước đặc biệt - thân trước 1,7 m - tà sau 10m. Chiếc áo dài nữ có gam màu vàng cung đình thêu 1.000 con phượng, áo dài nam gam màu vàng - xanh lam thêu 1.000 con rồng. Hai chiếc áo dài này triển lãm và biểu diễn nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và được đánh giá rất cao.

    Những bộ sưu tập áo dài khác của NTK Lan Hương:

    Bộ sưu tập Huyền Thoại Đông Hồ, đó là sự tiếc nuối về vẻ đẹp làng tranh của chị.


     

    Mùa sen

    Bộ sưu tập Tố nữ thể hiện nét đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

    Bộ sưu tập áo dài Màu của núi đầy huyền bí.

    Vũ Chi // Ngôi Sao

    --------------------

    Nhà thiết kế Lan Hương thành công nhờ bướng bỉnh

    Từ một cô gái tỉnh lẻ, Lan Hương đã trở thành một trong những nhà thiết kế áo dài được nhiều người yêu thích trong làng thời trang. Giản dị, chân thành, chị chia sẻ với VnExpress về chuyện nghề, cuộc sống.

    - Không được học qua một trường lớp nào về thiết kế, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã từng bước tạo dựng được tên tuổi của mình. Chị phát hiện ra mình có năng khiếu thiết kế từ khi nào?

    - Người ta nói màu sắc của tôi lạ, độ “chơi” màu không theo một mô tuýp nào. Bản thân tôi cũng không phát hiện ra “năng khiếu” thiết kế trong con người mình. Tôi thường ngồi trong một kho vải, đặt những màu cạnh nhau, thiết kế bằng sự tưởng tượng, cảm nhận. Thậm chí đến bây giờ tôi không biết theo lý thuyết màu gì đi với màu gì thì hợp, màu nào đối chọi với màu nào. Nhưng rất may, sự kết hợp trong các thiết kế của tôi được nhiều người chấp nhận.

    Nhà thiết kế áo dài Lan Hương. Ảnh: CTV.

    - Chị khởi nghiệp thiết kế như thế nào?

    - Tôi sinh ra ở một vùng quê Hoà Bình, tuổi thơ của tôi rất vất vả. 7 tuổi tôi đã phải vào rừng đốn củi. Chưa biết khái niệm nhà thiết kế, nhưng tôi rất hay mơ trở thành một cô giáo dạy văn và biết may quần áo cho mình. 9 tuổi, tôi lân la đến các nhà hàng xóm làm thợ may và mày mò học hỏi. Đến khi lên Hà Nội học đại học, bố mẹ tôi đã thưởng cho một chiếc máy khâu mang vào ký túc xá. Và ngay từ đó, tôi đã tự may cho mình quần áo, các bạn thấy đẹp, đến nhờ may. Ra trường, tôi mở một cửa hiệu may quần áo, có chút vốn thì cùng một vài người bạn mở tiệm áo cưới, trang điểm. Rồi tình cờ tôi đến với áo dài, như một định mệnh. Tôi vẫn thường hay đùa “áo dài chọn tôi chứ không phải tôi chọn áo dài”.

    - Chị từng phải thế chấp nhà cửa để phục vụ cho niềm đam mê thiết kế của mình. Thực hư ra sao?

    - Đó là thời gian đầu, kinh doanh chưa hiệu quả, nhưng tôi nghĩ muốn thành công trong, mình phải liều. Tôi đã vay mượn và thế chấp hết nhà cửa để đầu tư cho kinh doanh áo cưới và áo dài.

     

    - Lúc đó, nếu thất bại thì chị sẽ ra sao?

    - Tôi là một cô gái bướng bỉnh, đã muốn làm gì thì quyết làm cho bằng được, cũng mạnh mẽ và quyết đoán không kém đàn ông. Nhưng tôi chấp nhận điều đó, bởi đã dấn vào kinh doanh phải mạo hiểm. Thời gian đó, công việc kinh doanh cũng may mắn thuận lợi. Tôi như một con ong, chỉ biết làm việc và làm việc, mày mò từ những điều nhỏ nhất của nghề may. Và có thể nói, tôi đến với nghề may là do học “mót”, không qua một người thày dạy nào.

    - Sau bao nhiêu năm thì người ta biết đến nhà thiết kế Lan Hương?

    - Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là nhà thiết kế. Tôi đến với nghề đơn giản chỉ vì niềm đam mê sáng tạo thôi thúc trong con người. Tôi chỉ muốn làm đẹp và mang đến cái đẹp cho người khác. Chính vì thế tôi làm việc rất cần mẫn, chiều lòng khách hàng để có thể mang đến những sản phẩm ưng ý nhất cho họ.

     

    Phan Thị Long Phụng - người đẹp giành giải Ứng xử hay nhất tại cuộc thi Hoa hậu Trang sức trong trang phục áo dài của nhà thiết kế Lan Hương. Ảnh: Hoàng Hà.

    - Kết quả của những năm khổ luyện đã mang đến cho chị những giải thưởng gì?

    - Tôi chưa nhận được một giải thưởng nào trong các cuộc thi thời trang, bởi tôi không đem những bộ sưu tập của mình đi dự thi. Phần thưởng lớn nhất của tôi cho đến bây giờ là sự tin tưởng của khách hàng, những thiết kế của tôi đã được nhiều người chấp nhận và yêu thích. Đấy là những phần thưởng tinh thần lớn nhất mà không phải giải thưởng nào có thể mang lại được.

    - Chị đã bỏ ra rất nhiều tiền để thiết kế một chiếc áo dài kỷ lục, dự định trưng bày ở dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chị mong muốn điều gì từ thiết kế ấy?

    - Tôi làm chiếc áo dài kỷ lục 10 m đó trong vòng một năm, rất cầu kỳ và tốn kém. Tôi đã đưa những họa tiết trang trí của ngôi chùa cổ Vạn Niên (Tây Hồ - Hà Nội), những bức tranh tứ quý, những linh vật lên thân áo... Chất liệu vải là lụa tơ tằm kết hợp với màu vàng cung đình và kiểu dáng cũng thiên về áo dài cung đình. Tấm áo dài này được 45 thợ thêu tay cầu kỳ thực hiện trong 8 tháng. Lúc đó tôi không nghĩ mình làm vì mục đích gì mà làm vì sự tri ân của tôi đối với nghề thiết kế, nhất là chính chiếc áo dài đã làm cho tôi trở nên thành công và sống được với nghề này.

    - Thường thì đàn ông không thích vợ giỏi và kiếm được nhiều tiền hơn mình. Chồng chị thì sao?

    - Tôi được như ngày hôm nay là nhờ sự động viên và khích lệ rất nhiều của anh ấy. Đúng là vợ chồng không thể tránh khỏi những hiểu lầm vì những cư xử có lúc không khéo. Nhưng tình yêu và sự thông cảm đã giúp chúng tôi vượt qua được những giận hờn ấy, bởi anh ấy là người rộng lượng. Tôi hạnh phúc vì có được người chồng hiểu và chia sẻ với tôi trong cuộc sống. Anh ấy là một nhà nhiếp ảnh và giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc chụp và lưu lại những thiết kế.

    - Chị hài lòng về điều gì nhất ở mình?

    - Trong tôi, sự đam mê trong sáng tạo vẫn tràn đầy. Tôi chỉ muốn những thiết kế áo dài của mình mang đến vẻ đẹp đằm thắm, kín đáo mà vẫn rất sang trọng cho người phụ nữ. Đến giờ, tôi vẫn chưa có điều gì hài lòng về mình. Tôi luôn có tinh thần cầu thị.
    ----------

    Nam Phương thực hiện // Vnexpress