
Hướng đi nào cho thời trang Hải Phòng?
Sau một thời gian dài bị cạnh tranh bởi các sản phẩm Trung Quốc, Hàn Quốc… hàng thời trang Việt Nam đang trên đường giành lại thị phần. Tại Hải Phòng, nhiều thương hiệu như Nino Maxx, Blue Exchange, PT 2000, May 10, Việt Tiến, Foci… ngày càng được người tiêu dùng tìm mua.

Thời trang Việt khẳng định vị thế
Cách đây 3-4 năm, trong khi các cửa hiệu thời trang còn vắng bóng các sản phẩm trong nước, chủ yếu là hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… thì tại Hải Phòng đã bắt đầu xuất hiện một số điểm nhỏ, chuyên kinh doanh sản phẩm may mặc “Made in Vietnam”. Theo lời giới thiệu của các chủ cửa hàng thì đây đều là những sản phẩm được các công ty xuất sang nước ngoài, song do bị lỗi nên phía nước ngoài trả lại, họ nhập về bán lại cho người Việt Nam. Chính vì sản phẩm xuất khẩu nên hầu hết đều có kiểu dáng và chất liệu đẹp, đặc biệt là giá cả lại hợp với túi tiền của phần đông người tiêu dùng (chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/ áo hoặc 150-200.000 đồng/ quần). Rất nhanh chóng, đã có nhiều người biết và tìm đến các cửa hàng “Made in Vietnam”.
Từ nhu cầu của người tiêu dùng, các cửa hiệu thời trang xuất khẩu ngày càng nhiều thêm và hiện nay thì hầu hết các phố kinh doanh hàng thời trang như Mê Linh, Nguyễn Đức Cảnh… đều có sự xuất hiện của những cửa hàng biển hiệu “Made in Vietnam”. Thậm chí, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng chuộng hàng Việt giá bình dân, chất lượng tốt, nhiều cửa hàng “Made in Vietnam” còn cài các sản phẩm Trung Quốc “nhái” hàng Việt Nam, hoặc trà trộn hàng gia công của các cơ sở may đo nhỏ lẻ với mục đích kiếm lời.
Cùng với sự phát triển của hệ thống cửa hiệu thời trang “Made in Vietnam”, nằm trong top các thương hiệu thời trang Việt khẳng định tên tuổi tại Hải Phòng, phải kể đến Blue Exchange, Foci, Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè… và Nino Maxx. Anh Đàm Văn Bình, Quản lý kinh doanh khu vực Hải Phòng của Cty CP thương hiệu Việt (Nino Maxx) cho biết: Sau 6 năm có mặt tại Hải Phòng, đến nay Nino Maxx đã xây dựng được 3 cửa hàng bán lẻ sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm của Cty đã thâm nhập được vào hệ thống trung tâm thương mại Parkson, đáp ứng tiêu chuẩn của Parkson về chất lượng, mẫu mã, cạnh tranh với các sản phẩm thời trang cao cấp nhập ngoại.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Nino Maxx
Anh Bình cho biết, 1-2 năm gần đây, xu hướng người Việt, đặc biệt là giới trẻ tìm đến với Nino Maxx nói riêng và các công ty thời trang “nội” nói chung ngày càng tăng do giá không quá cao, sản phẩm lại liên tục có sự thay đổi, phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại. Ngoài ra, một trong những thành công của Nino Maxx và nhiều tên tuổi thời trang Việt khác, theo anh Bình, đó là cách xây dựng thương hiệu, thể hiện qua phong cách phục vụ của nhân viên bán hàng, cách trưng bày sản phẩm thật sự chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, nằm trong phân khúc thị trường thời trang cao cấp “nội” tại Hải Phòng còn có những tên tuổi như NEM, Eva de Eva… và mới đây là N&M. Nếu như trước đây, giới công sở thường rất e dè khi lựa chọn sản phẩm trong nước vì sự đơn điệu về mẫu mã và chất lượng khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập thì giờ đây họ đã phải thay đổi suy nghĩ. Nhận xét về các sản phẩm thời trang cao cấp, chị Vũ Thu Bình, nhân viên của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển VN cho rằng, hầu hết sản phẩm công sở của các hãng thời trang trong nước hiện nay đều hướng tới thị hiếu người tiêu dùng, tích cực cải tiến mẫu theo từng mùa trong năm. Sản phẩm thời trang công sở trong nước vừa lịch sự, sang trọng, vừa duyên dáng, có thể mặc đi làm, dự tiệc và cả đi chơi nên chị em có rất nhiều lựa chọn. Giá của các bộ trang phục cao cấp này từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với sản phẩm ngoại nhập. Chính vì vậy, đã có rất nhiều cửa hiệu kinh doanh trang phục công sở ngoại nhập chuyển hướng làm đại lý cho các thương hiệu thời trang trong nước. Gần đây, thị trường Hải Phòng còn xuất hiện thêm một vài tên tuổi có tiếng của TP HCM như Vincy, Petshop…
Thiên hướng nghiêng về sử dụng hàng nội địa rõ nhất là các sản phẩm thời trang dành cho phái nam của Việt Tiến, May 10… Chỉ tính riêng đoạn đường Nguyễn Đức Cảnh đã tập trung khoảng gần 20 cửa hàng thời trang “nội”, chủ yếu kinh doanh trang phục dành cho nam giới. Điều đó chứng tỏ các nhà sản xuất đã hướng về thị trường trong nước và thời trang nội đang có sức hút mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Trong sự sôi động của thị trường thời trang trong nước, thời trang Hải Phòng liệu có đứng ngoài cuộc?
Sự sôi động của thị trường thời trang nội địa trong thời gian gần đây khiến không ít người làm trong lĩnh vực thời trang của Hải Phòng phải sốt ruột. Câu hỏi đặt ra, bao giờ thời trang Hải Phòng mới có những thương hiệu cỡ Nino Maxx, Eva de Eva, N&M…?

Hướng đi nào cho thời trang Hải Phòng?
Khi đặt câu hỏi nhận xét về thời trang Hải Phòng, rất nhiều người quan tâm đến lĩnh vực thời trang tỏ ra nuối tiếc. Hải Phòng là thị trường giàu tiềm năng, nhu cầu của người dân về mặc đẹp trong những năm gần đây đã tăng đáng kể song thị trường thời trang Hải Phòng hầu hết còn bỏ ngỏ để sản phẩm thời trang của doanh nghiệp các tỉnh, TP khác chiếm lĩnh.
Một trong những nhân tố kích thích sự phát triển của thời trang là đội ngũ những nhà thiết kế trẻ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thiết kế thời trang của Hải Phòng không có đất diễn, họ phải tìm hướng phát triển sự nghiệp ở TP HCM, Hà Nội. Địa điểm sinh hoạt thường xuyên của các nhà thiết kế Hải Phòng là Cung VHTT Thanh niên TP thì cũng chỉ 3 tháng/lần tổ chức biểu diễn thời trang. Chính vì vậy, hoạt động thời trang ở Hải Phòng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ của các nhà may thông thường, chưa quảng bá được đến tầm thương hiệu.
Chị Thu Yến (chủ nhà may Thu Yến ở phố Phạm Minh Đức) cho biết, ra đời được 9 năm, nhà may của chị đã xây dựng được một phong cách thời trang riêng biệt dành cho giới công sở ở Hải Phòng nhưng chị vẫn mong muốn sản phẩm của mình được quảng bá rộng rãi hơn, đến được với nhiều người dân TP cảng. Chị Yến cho hay, hiện nay hầu hết các nhà thiết kế của Hải Phòng đều phải “tự thân vận động” bằng cách lên mạng internet tìm hiểu các xu hướng thời trang mới để thiết kế các mẫu trang phục, hầu như không tổ chức được các buổi sinh hoạt để trao đổi, góp ý và có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đó cũng là một hạn chế khiến sản phẩm thời trang của các nhà may dù có tên tuổi như Thu Yến, Linh Hằng, Ngọc Vân… cũng chỉ phục vụ được cho một bộ phận người dân TP cảng.
Ở quy mô lớn hơn, trong số doanh nghiệp dệt may có tiếng ở Hải Phòng phải kể đến Cty May 2. Từng được Hiệp hội dệt may Việt Nam bình chọn là doanh nghiệp dệt may tiêu biểu, được xếp trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, sản phẩm của Cty đã có mặt tại hầu khắp thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, cùng các doanh nghiệp dệt may khác của cả nước thì không phải điều đơn giản, nhất là trong thời gian dài, thị trường bị các sản phẩm thời trang của nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) thao túng. Khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua kéo theo sự suy giảm đáng kể các đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp gia công hàng dệt may cho nước ngoài nghiêm túc hơn trong đầu tư vào thị trường nội địa, chú trọng hơn đến thị hiếu người tiêu dùng…
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, bên cạnh việc đầu tư để phát triển và giành được thị trường nội địa, việc mà ngành thời trang Hải Phòng nói riêng, thời trang cả nước nói chung cần làm, đó là hướng mạnh vào thị trường nông thôn và bộ phận người dân thu nhập chưa cao. Trước nay, các nhà sản xuất trong nước mới chỉ chú trọng vào lĩnh vực thời trang trung và cao cấp, bỏ quên thị trường giàu tiềm năng này (chiếm tới 70% dân số) cho hàng nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc chiếm lĩnh.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đồng Hồng Hoàn, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật may Hải Phòng cho rằng, sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang nói chung trước hết phải bắt đầu từ công tác đào tạo nhân lực, thứ đến là việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp và sau đó là chọn thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để có sản phẩm phù hợp. Ở Hải Phòng, việc tạo một sân chơi như các câu lạc bộ cho nhà tạo mẫu sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm rất cần thiết. Bên cạnh đó, các công ty dệt may lớn cũng cần có chính sách thu hút nhân tài để động viên các nhà thiết kế trẻ, giúp cho họ có cơ hội cống hiến, phát triển tài năng. Thiết thực hơn, thời trang Hải Phòng cần có những cuộc thi lớn tổ chức thường niên cỡ như Grand Prix để các nhà thiết kế trẻ thỏa sức sáng tạo, có điều kiện giao lưu, hỗ trợ cùng phát triển.
Còn nghệ nhân cắt may Cao Hữu Nghị, người có thâm niên trong việc đào tạo thợ cắt may thì trăn trở: “Chúng tôi vẫn mong có được cơ hội truyền nghề cho giới trẻ. Kỹ thuật cắt may ngày nay dù hiện đại, cách tân rất nhiều song cũng vẫn phải trên nền tảng truyền thống”. Ông Nghị hi vọng sẽ có nhiều hội thảo về thời trang được tổ chức tại Hải Phòng để những nghệ nhân như ông có điều kiện truyền nghề cho các nhà thiết kế trẻ. “Lớp người như chúng tôi đã “gần đất xa trời”, chỉ mong muốn được đóng góp công sức vào sự phát triển của ngành thời trang, may mặc thành phố” - nghệ nhân Cao Hữu Nghị tâm sự.
Theo ANHP